Ấm áp tình người giữa đại dịch

Hotline liên hệ 0903 106 102

Email tdvhoangtien@gmail.com

Ngày đăng: 18/06/2021 - 03:45 AM

TPHCM: Ấm áp tình người giữa đại dịch

(CATP) Giữa lúc Covid-19 diễn biến phức tạp, TPHCM đang thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, nhiều nơi phải cách ly y tế, cuộc sống bà con nghèo đã khó khăn vì thế càng khốn khổ hơn. "Nhiễu điều phủ lấy giá gương", người dân thành phố (TP) tiếp tục dang tay hỗ trợ những phận nghèo, người lang thang, cơ nhỡ... vượt cơn bĩ cực.

Những phận đời vất vả mưu sinh

Sau cơn mưa tầm tã đầu tháng 6, chúng tôi rảo quanh những góc tối của TPHCM, chứng kiến nhiều phận đời xa quê co ro trong giá rét. Quấn chặt tấm chăn nhàu nhĩ dưới gầm cầu Chữ Y, bà Đ.T.B.T (60 tuổi, quê Cà Mau) buồn bã chia sẻ: "Cuộc sống ở quê khó khăn, tôi lên đây tìm việc làm để lo cho bản thân. Buổi sáng tôi xin rửa chén bát cho các quán cơm, tối về nhặt ve chai, giấy vụn... cũng đủ chi phí tiền trọ và ăn uống qua ngày, cho đến khi dịch bệnh xảy ra". Quán xá chỉ bán mang về, mất việc làm, lượng ve chai cũng ít hẳn, với 300.000 đồng tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, bà không đủ trả tiền thuê trọ, nên cứ lang thang khắp các nẻo đường nhặt nhạnh bịch nylon, chai lọ, ai cho gì ăn đó, tối về ngả lưng trên vỉa hè hoặc dưới gầm cầu.

Ông T.V.D bán vé số ở khu vực Ni viện Long Nhiễu (TP. Thủ Đức) cho biết: "Thời buổi kinh tế khó khăn lại thêm dịch bệnh, quán xá đóng cửa, người dân hạn chế ra đường, vì thế việc buôn bán ế ẩm hơn nhiều. Ngày trước tôi nhận 200 - 300 tờ vé số để bán, giờ thì ngày chỉ dám lấy vài chục tờ mà vẫn không hết. Tình trạng này kéo dài, cuối tháng không biết có đóng được tiền nhà không nữa...".

Cùng cảnh ngộ, là lao động xa quê, vào Sài Gòn bươn chải, chạy xe ôm tại Bến xe Miền Đông nhiều năm nay, chưa bao giờ anh T.V.L (42 tuổi) lại cám cảnh như lúc này. "Trước dịch, tôi kiếm được 200 - 300 nghìn đồng/ngày, nhưng giờ có hôm không đủ mua bánh mì cầm hơi, đành chuyển hướng sang giao hàng để trang trải", anh chia sẻ.

Tặng cơm hộp miễn phí cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch

Không một ai bị bỏ lại phía sau

Giữa lúc hoạn nạn ấy, truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân tương ái" lại phát huy. Nhiều nhóm thiện nguyện, các cá nhân đã đứng ra quyên góp, dành những suất cơm, ký gạo miễn phí trao tận tay người nghèo.

Cầm hộp cơm vừa nhận từ nhóm thiện nguyện, ông T.H.S tấp xe vào con hẻm trên đường 3-2 (quận 10) ăn cho đỡ đói. Những người vô gia cư, lao động nghèo, bán vé số, nhặt ve chai... cũng nhận được những suất ăn ấm áp tình người giữa đại dịch.

Đến hẹn lại lên, cứ 7 giờ tối thứ 3, thứ 5 hàng tuần, các thành viên nhóm thiện nguyện trẻ lại đi phát hơn 700 suất cơm miễn phí cho những người nghèo. Để không bỏ sót một ai, tất cả chia thành từng tốp nhỏ đi phát trên các tuyến đường: 3-2 (Q10), Cầu Ông Lãnh (Q1), Trần Hưng Đạo, cầu Nguyễn Văn Cừ (Q5), cầu Chữ Y (Q8)...

Để có được những suất cơm này, ngoài sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân, người dân góp lại, các thành viên trong nhóm cũng trích một phần sinh hoạt phí hàng tháng của mình. "Trên tinh thần lá lành đùm lá rách, mong mọi người cùng chung tay chống dịch để có thể cùng cả nước sớm vượt qua đại dịch", một tình nguyện viên chia sẻ.

Mỗi ngày, trước hẻm 523 Nguyễn Tri Phương, Q10, trên chiếc bàn nhỏ gắn tấm bìa ghi chữ "Cơm từ thiện" đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Đây là những suất cơm bà N.T.Hòa cùng con cháu trong nhà góp tiền nấu gửi đến những người nghèo. Việc làm của bà Hòa đã lan tỏa tinh thần sẻ chia trong cộng đồng. Bà con trong hẻm cũng chung tay ủng hộ tiền, góp gạo nhờ bà Hòa nấu thêm nhiều suất ăn gửi đến người nghèo. "Bán giải khát trên vỉa hè mấy chục năm nay, giờ vẫn ở nhà thuê nên tôi thấu hiểu được nỗi khó khăn của người lao động trong mùa dịch. Cùng hoàn cảnh ấy nên tôi muốn chia sẻ với nhiều người khổ hơn trong lúc này", bà Hòa bày tỏ.

Cùng chung tay hỗ trợ người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều cá nhân, tổ chức tại TPHCM đã có những hoạt động thiết thực như tặng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn... cho người dân, với cách thức "gõ cửa từng nhà, trao tận tay, gửi lời chúc bình an", trong khi một số chủ nhà trọ cũng giảm tiền nhà cho người thuê để cùng vượt qua đại dịch.

Chung một tấm lòng, người dân TPHCM đang dìu nhau vượt qua gian khó với niềm tin sức mạnh tình người sẽ chiến thắng được Covid-19. 

Zalo
Hotline